CẨM NANG HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH VỀ NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM MẦM NON KHI TRẺ Ở NHÀ
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Trong quá trình hoạt động hằng ngày, mỗi người sẽ thường xuyên va chạm, tiếp xúc vào đồ vật và mọi người xung quanh, dẫn đến tích lũy nhiều vi khuẩn trên tay, vì thế có thể lây nhiễm bệnh tật cho chính bản thân bằng các hành động vô tình như đưa tay chứa vi khuẩn chạm vào mắt, mũi hay miệng,… Mặc dù không thể giữ tay vô trùng nhưng việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng có thể giúp hạn chế chuyển giao và lây lan các vi khuẩn, vi rút từ người khác sang mình và ngược lại. Tạo cho trẻ thói quen rửa tay và biết rửa tay đúng cách là việc làm cần thiết giúp phòng chống một số bệnh nhiễm khuẩn, bảo vệ sức khoẻ của trẻ.
− Nơi để thực hành rửa tay: có nước sạch, có vòi nước hoặc chậu chứa nước, gáo múc nước.
− Xà phòng.
− Khăn / giấy lau tay khô, sạch.
− Trong quá trình hướng dẫn trẻ rửa tay, cha mẹ trò chuyện với trẻ:
+ Tại sao phải rửa tay: cho tay sạch sẽ, thơm tho, tránh được bệnh tật…
+ Lúc nào cần rửa tay: trước và sau khi ăn, khi đi ngoài đường về nhà, khi tay bẩn...
− Hướng dẫn cụ thể, trực quan để trẻ thực hành.
− Tích hợp hướng dẫn trẻ tiết kiệm điện, nước trong quá trình rửa tay:
+ Tiết kiệm điện: Khi ra, vào nơi rửa tay cần tắt đèn.
+ Tiết kiệm nước: Chỉ sử dụng vòi nước khi cần thiết (khi làm ướt tay, khi tráng sạch tay, sau khi dùng xong cần tắt vòi nước,…).
− Nên đặt thảm dưới chân trẻ để tránh trơn trượt. Nếu vị trí rửa tay quá cao so với trẻ, nên chuẩn bị một chiếc ghế nhỏ, chắc chắn để trẻ đứng lên.