Nội dung:
Vì nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng ở lứa tuổi này gần giống nhau, cho nên có thể cho trẻ ăn cùng chế độ. Trẻ 3 tuổi có thể ăn lượng tinh bột (cơm, mì, bún, phở,…) ít hơn trẻ 5 – 6 tuổi nhưng lượng chất đạm, chất béo, các vitamin và khoáng chất là giống nhau.
Vi chất dinh dưỡng là những chất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm vitamin (A, D, C, B12...) và các khoáng chất (sắt, kẽm, canxi, i-ốt...). Tuy chúng chỉ chiếm một lượng nhỏ trong khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong:
Tăng cường hệ miễn dịch: Các vi chất như vitamin C, A, và kẽm giúp trẻ chống lại bệnh tật, giảm nguy cơ nhiễm trùng và cải thiện sức đề kháng.
Hỗ trợ phát triển xương và chiều cao: Canxi và vitamin D cần thiết cho sự phát triển hệ xương chắc khỏe và tăng trưởng chiều cao.
Phát triển não bộ: I-ốt, sắt, và các vitamin nhóm B góp phần hỗ trợ phát triển trí não, tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.
Phòng ngừa các bệnh liên quan đến dinh dưỡng: Thiếu vi chất dinh dưỡng có thể gây ra các bệnh như còi xương (thiếu canxi, vitamin D), thiếu máu (thiếu sắt), hoặc suy giảm miễn dịch.
Nguồn thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng:
Sắt: Thịt bò, gan, trứng, đậu đỗ, rau xanh.
Kẽm: Hải sản (tôm, cua), thịt gà, ngũ cốc nguyên hạt.
Canxi: Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai), cá nhỏ ăn cả xương.
Vitamin A: Gan động vật, cà rốt, khoai lang, đu đủ, bí đỏ.
Vitamin C: Cam, chanh, bưởi, ổi, dâu tây, rau xanh.
I-ốt: Muối i-ốt, cá biển, rong biển.
Để đảm bảo trẻ nhận đủ các vi chất dinh dưỡng, cha mẹ cần xây dựng chế độ ăn đa dạng và cân đối, kết hợp nhiều loại thực phẩm trong mỗi bữa ăn. Thói quen này sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.
− Cho trẻ ăn thêm bữa phụ. Trong ngày, ngoài 3 bữa ăn chính, cần cho trẻ 2 – 3 bữa phụ. Bữa phụ nên cho trẻ ăn: trái cây, uống sữa, ăn sữa chua, cháo, xúp,…
− Không được bỏ qua bữa ăn sáng của trẻ. Bữa ăn sáng của trẻ rất quan trọng. Trẻ lứa tuổi này vận động nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn. Nếu ăn sáng không đủ trẻ sẽ bị mệt mỏi, không chịu vận động, thậm chí ngất xỉu do hạ đường huyết. Bữa ăn sáng nên cho trẻ ăn: cháo, mì, bún, phở, xôi, bánh mì với sữa / sữa chua và trái cây. Muốn trẻ ăn sáng ngon miệng, cha mẹ nên: thường xuyên thay đổi thực đơn, hỏi ý kiến trẻ muốn ăn món gì, cho trẻ đi ngủ sớm, sáng dậy vận động 15 – 30 phút trước khi ăn,…
− Cần cho trẻ ăn đa dạng các loại thực phẩm. Chỉ khi ăn đa dạng các loại thực phẩm, trẻ mới được cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. Việc ăn đa dạng các loại thực phẩm cũng sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Nên cho trẻ tham gia chuẩn bị nấu ăn cùng cha mẹ để trẻ hào hứng với việc ăn uống hơn vì trẻ sẽ rất thích ăn những món tự mình chuẩn bị.
− Động viên khuyến khích trẻ ăn rau. Cha mẹ cần giải thích cho trẻ hiểu tầm quan trọng của rau xanh với sức khoẻ. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với trẻ: “Ăn rau sẽ giúp con cao hơn, thông minh hơn, xinh đẹp hơn,…”, “Ăn rau sẽ giúp con đi vệ sinh không bị đau.”,…
− Chế biến các món ăn nhiều màu sắc. Món ăn nhiều màu sắc hấp dẫn trẻ hơn. Các loại rau củ quả nhiều màu sắc có chứa nhiều vitamin và khoáng chất giúp trẻ phát triển toàn diện.
− Hỏi ý kiến trẻ về các món ăn mà trẻ yêu thích. Tôn trọng quyền tự do lựa chọn món ăn của trẻ để trẻ ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, các món ăn không tốt cho sức khoẻ như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga, bim bim,… thì tuyệt đối không chiều theo sở thích của trẻ.