VỆ SINH và CHĂM SÓC
Chăm sóc da và tắm cho trẻ sơ sinh
Chăm sóc da và tắm cho trẻ sơ sinh
CẨM NANG HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH VỀ NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM MẦM NON KHI TRẺ Ở NHÀ
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Da của trẻ sơ sinh rất mỏng manh, chưa hoàn thiện và dễ tổn thương hơn rất nhiều so với da của trẻ lớn. Vì vậy, việc chăm sóc da và tắm cho trẻ sơ sinh đúng cách là hết sức quan trọng để bảo vệ da trẻ.
Chăm sóc da và tắm cho trẻ nhằm mục đích:
− Giúp trẻ ngăn ngừa các bệnh về da, tránh bị nhiễm khuẩn da.
− Giúp tăng cường tuần hoàn da, giúp sự bài tiết da được dễ dàng hơn, giúp da thực hiện được chức năng của mình, đem lại sự thoải mái cho trẻ và giúp trẻ khoẻ mạnh.
− Khi chăm sóc da cho trẻ, cha mẹ có thể quan sát và phát hiện sớm được các bất thường về da, mắt, rốn,... của trẻ để có thể xử trí kịp thời.
− Đảm bảo an toàn cho trẻ.
− Đảm bảo da trẻ luôn sạch sẽ, mắt không nhiễm khuẩn.
− Tắm khi tình trạng sức khoẻ trẻ ổn định.
− Lau khi trẻ đang ốm.
− Không tắm khi trẻ bị hạ nhiệt độ, suy hô hấp nặng, tình trạng sốc.
− Giữ ấm để trẻ không bị hạ nhiệt độ trong và sau khi tắm.
− Nên tắm cho trẻ vào thời điểm ấm nhất trong ngày và khi trẻ không quá no.
− Tắm cho trẻ hằng ngày hoặc cách ngày tuỳ điều kiện thời tiết và sức khoẻ của trẻ.
− Phòng tắm phải kín, tránh gió lùa, nhiệt độ phòng khoảng 28 – 30oC.
− Sử dụng nước sạch, ấm khoảng 37 – 38oC để lau hoặc tắm cho trẻ.
− Thời gian tắm cho trẻ chỉ nên kéo dài 5 – 10 phút.
Cần bảo vệ sự toàn vẹn của da để tránh sự xâm nhập của các tác nhân gây hại cho trẻ:
− Trẻ cần được nằm trong phòng ấm cùng với mẹ.
− Sử dụng tã lót mềm, thấm hút nước tốt để phân và nước tiểu của trẻ không bị tràn ra ngoài. Thay tã lót và lau rửa vùng sinh dục – hậu môn thường xuyên khi trẻ đi vệ sinh.
− Các đồ vải dùng cho trẻ nên sử dụng vải tự nhiên, thấm hút mồ hôi tốt và thông thoáng, hạn chế kích ứng da. Đồ vải cần được giặt sạch, phơi khô hoặc là / ủi trước khi dùng.
− Không để da trẻ tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Khi cho trẻ ra ngoài trời cần đội mũ cho trẻ.
− Để làm mềm da và giảm mất nước qua da, tránh khô da nên sử dụng các sản phẩm dưỡng da dịu nhẹ, có độ pH trung tính dành riêng cho trẻ nhỏ đã được chứng minh là an toàn trên lâm sàng.
− Có thể bôi kem chống hăm, phấn trẻ em ở các nếp gấp da vùng quấn tã.
− Sử dụng dầu massage chuyên dùng cho trẻ, massage khoảng 10 phút mỗi ngày để máu lưu thông tốt, lỗ chân lông thông thoáng làm da trẻ mịn màng, giúp trẻ thư giãn, thoải mái, từ đó trẻ bú tốt, ngủ ngon và phát triển tốt hơn.
− Chăm sóc mắt trẻ thường xuyên sau khi lau hoặc tắm. Lau sạch vùng mắt bằng khăn sạch.
− Rôm sảy: Không có điều trị đặc hiệu. Cần tránh mặc quá nhiều quần áo ấm hoặc ở phòng có nhiệt độ cao làm trẻ ra nhiều mồ hôi. Để trẻ ở môi trường thoáng mát, nhiệt độ ổn định, vệ sinh da trẻ sạch sẽ và khô ráo. Nếu rôm sảy dai dẳng có thể dùng thuốc chống viêm tại chỗ.
− Mụn rộp: Xuất hiện khi có sự cọ xát giữa quần áo và làn da trẻ. Cần tránh mặc quần áo, tã lót thô ráp, bó, chật. Luôn giữ da trẻ sạch, khô, có thể thoa kem hoặc phấn rôm phù hợp cho trẻ.
− Viêm da tiết bã nhờn: Thường tự khỏi trong vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp dai dẳng có thể sử dụng dầu gội, kem có chứa ketoconazole 2 %.
− Hăm tã:
+ Để bảo vệ da trẻ thì cần phải làm sạch và khô da. Sử dụng sữa tắm có độ pH thích hợp đã được khuyến cáo. Sử dụng tã giấy có kích cỡ phù hợp, có khả năng thấm hút nước tiểu tốt, chống tràn nước tiểu ra ngoài. Thay tã thường xuyên, tránh mặc tã quá chặt. Lau bằng khăn mềm hoặc dùng nước rửa sau mỗi lần trẻ đi vệ sinh.
+ Khi trẻ có dấu hiệu hăm tã (da vùng mang tã bị ban đỏ, mụn nước, phồng rộp hoặc trợt da) thì cần lau nhẹ nhàng bằng khăn mềm, có thể dùng nước xối rửa nhẹ nhàng để tránh cọ xát làm da bị tổn thương thêm. Giữ vùng mông khô và thoáng khí, có thể thoa kem có chứa oxit kẽm. Nếu trẻ đang dùng kháng sinh và vùng mang tã có ban đỏ với nốt đỏ ở gờ thì có thể trẻ đang nhiễm nấm, cần cho trẻ đi khám tư vấn bác sĩ để được hướng dẫn xử trí đúng cách.
− Một số các nguyên nhân khác như mụn mủ, chàm (eczema), vàng da hoặc có nốt xuất huyết trên da cần phải cho trẻ đi khám tư vấn bác sĩ chuyên khoa.
Đối với trẻ:
− Tuỳ theo tình trạng toàn thân của trẻ để lựa chọn lau hoặc tắm cho trẻ. Cặp nhiệt độ cho trẻ để đảm bảo thân nhiệt trẻ ổn định trước khi tắm, tránh trường hợp trẻ bị hạ thân nhiệt.
− Lau, rửa sạch vùng sinh dục, hậu môn của trẻ trước khi lau hoặc tắm cho trẻ.
Địa điểm:
− Phòng tắm kín gió, mùa đông có máy sưởi hoặc điều hoà hai chiều.
− Nhiệt độ phòng 28oC – 30oC.
Dụng cụ:
− Chậu tắm: 2 chiếc (1 chiếc dùng để lau hoặc tắm, 1 chiếc để tráng).
− Khăn mặt, khăn tắm, khăn khô để lau người.
− Áo, tã / bỉm, chăn quấn có mũ: sử dụng loại vải mềm, thấm nước, sạch, phơi khô trước khi dùng.
− Xà phòng / sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh.
− Nước sạch, nhiệt độ nước khoảng 37oC– 38oC (có thể xác định bằng cách nhúng khuỷu tay vào nước thấy ấm là được).
− Gạc sạch.
− Thùng đựng đồ vải bẩn.
Rửa tay: Dùng xà phòng rửa tay, rửa tay theo các bước khuyến cáo của Bộ Y tế để đảm bảo chống nhiễm khuẩn cho da trẻ.
Bước 1 – Rửa mặt: Mục đích để làm sạch vùng mặt, mắt trẻ không còn dử.
− Lau mắt: Dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm, vắt nhẹ và lau từ khoé mắt ra đuôi mắt. Chuyển vị trí khăn sạch, lau mắt bên kia.
− Lau mũi, miệng và lau hai tai: Lau phía ngoài mặt trong vành tai, phía sau tai, phía trong lỗ mũi, không ngoáy sâu vào trong.
Bước 2 – Lau vùng đầu: Mục đích để làm sạch vùng đầu và đảm bảo trẻ không hạ thân nhiệt.
− Lau vùng cổ, cằm, chú ý lau các nếp gấp da ở cổ.
− Xoa nhẹ nhàng khăn ướt trên đầu trẻ, vò khăn, lau tiếp đến khi sạch.
− Lau khô, đội mũ cho trẻ.
Bước 3: Lau vùng thân. − Lau đến đâu bộc lộ đến đấy, lau từng nửa người thân trên trước.
− Lau phần ngực, lưng: Lau từ trên bờ vai xuống, từ trước ra sau. Lau vùng trong hõm nách ra ngoài.
− Lau tay: Lau từ trên xuống dưới, chú ý lau sạch vùng nếp gấp, từng kẽ ngón tay, lòng bàn tay vì trẻ thường nắm chặt tay.
− Lau khô ngay các vùng vừa lau ướt. Mặc áo hoặc quấn khăn ủ ấm, rồi mới chuyển tiếp lau sang nửa người bên kia.
− Sau khi lau xong vùng thân trên, thay khăn khác hoặc giũ sạch khăn cũ để lau phần dưới cơ thể.
− Lau phần bụng, mông, chân: Lau phần bụng dưới, vòng quanh lưng và hai chân. Chú ý lau sạch từng kẽ ngón chân và vùng nếp gấp da. Lau khô và phủ khăn giữ ấm cho trẻ.
− Thay tã và lau vùng sinh dục: Lau nhẹ nhàng từ trước ra sau, từ trên xuống dưới:
+ Với trẻ gái: Nếu trẻ có ít dịch tiết âm đạo thì nhẹ nhàng lau sạch, lau vùng sinh dục rồi lau vùng hậu môn.
+ Với trẻ trai: Lau đầu dương vật, vùng bìu rồi sang hậu môn. Nếu có cặn bẩn ở đầu dương vật thì nhẹ nhàng lau đi. Nếu thấy đầu dương vật bị chít hẹp, trẻ tiểu khó (rặn hoặc khóc khi tiểu), tia nước tiểu nhỏ hoặc tiểu lệch một bên, cần cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị.
− Lau khô, mặc áo, đóng bỉm, quấn chăn ấm.
− Ghi lại những dấu hiệu bất thường của trẻ nếu có.
Bước 1 – Bộc lộ trẻ.
− Cởi quần áo, tã lót cho trẻ. Lau, rửa sạch vùng sinh dục và hậu môn bằng giấy ướt hoặc vải mềm.
− Xoa nhẹ toàn thân, tạo sự thoải mái cho trẻ.
− Ủ trẻ trong chăn ấm để trẻ không bị hạ thân nhiệt.
Bước 2 – Rửa mặt: Mục đích làm sạch vùng mặt, mắt không còn dử.
− Lau mắt: Dùng khăn sạch, nhúng vào nước ấm, vắt nhẹ và lau từ khoé mắt ra đuôi mắt. Chuyển vị trí khăn sạch, lau mắt bên kia.
− Tiếp đến lau mũi, miệng và hai tai: Lau phía ngoài mặt trong vành tai, lau phía sau hai tai, phía trong lỗ mũi, không ngoáy sâu vào trong.
Bước 3 – Gội đầu.
− Cho một chút xà phòng / dầu gội chuyên dùng cho trẻ vào khăn, đánh bọt và xoa đầu trẻ nhẹ nhàng, tráng sạch rồi lau khô đầu.
− Nếu trời lạnh có thể gội đầu sau bước tắm thân để tránh làm trẻ hạ thân nhiệt.
Bước 4 – Tắm thân.
− Thay nước tắm sạch.
− Một tay đỡ lưng, gáy và đầu trẻ, một tay đỡ dưới đùi và mông trẻ, từ từ đặt trẻ vào chậu tắm.
− Tay phải xoa nhẹ nhàng từ trên xuống dưới chú ý các nếp gấp da ở cổ, nách, khuỷu tay, bàn tay, bàn chân. Lau rửa bộ phận sinh dục, hậu môn, đặc biệt với trẻ gái.
− Một tay đỡ đầu cổ và ngực, một tay kì cọ và xoa phần lưng, mông.
− Cho trẻ sang tráng người ở chậu nước tráng.
− Lau khô, mặc áo, ủ chăn ấm cho trẻ, đảm bảo trẻ không bị hạ thân nhiệt.
− Ghi lại những dấu hiệu bất thường của trẻ nếu có.
− Theo dõi toàn trạng của trẻ xem có bị tím tái, có cơn ngừng thở không, có bú tốt không.
− Theo dõi thân nhiệt trẻ có bình thường không, da có ấm không.
− Kiểm tra da trẻ có hồng không.
− Kiểm tra mắt trẻ xem có viêm đỏ, có chảy nước mắt, có dử mắt không.